Học lịch sử như thế nào?
Thời gian gần đây, việc dạy và học lịch sử thực sự là nỗi niềm quan tâm của rất nhiều thầy cô giáo và các em học sinh. Làm thế nào để việc học lịch sử xuất phát từ sự say mê, yêu thích?
Điểm đầu tiên cần lưu ý là không học vẹt, học đối phó theo kiểu nhớ máy móc bài học mà không hiểu gì. Thứ hai, “Trăm nghe không bằng một thấy”, thế nên nếu kết hợp việc học lịch sử trong SGK với việc xem phim tư liệu lịch sử, đọc truyện tranh lịch sử, thăm Di tích, Bảo tàng (nếu có thể) thì bạn vừa học lại vừa kết hợp được giải trí mà nhớ lâu vì không gì bằng trực quan sinh động cả. Thứ ba, Nguồn tài liệu chính là SGK, còn sách tham khảo đừng mua quá nhiều sẽ không “ngốn” hết. Hãy chọn cuốn sách tham khảo mà bạn thấy thích, và tối đa chỉ cần hai cuốn sách tham khảo là đủ. Thứ tư, các bài học lịch sử đều có vai trò như nhau, bởi vậy không học tủ bài nào, không bỏ qua bài nào. Rất nhiều bạn bị “tủ đè” vì chủ quan. Thứ năm, với các bài học, trước hết đọc bài, hiểu bài, nhớ bài, bạn nên vạch ra những ý chính của bài học kiểu như dàn ý sơ lược. Đây là phần khung của bài, từ đó bạn sẽ nhớ lâu mà trọng tâm hơn. Học tự luận ổn rồi, để củng cố kiến thức, bạn hãy làm trắc nghiệm bài học, làm các đề tham khảo của các năm. Hoặc trao đổi kiến thức bài học với bạn, vừa nhớ lâu, vừa có thể bổ khuyết phần mình yếu qua việc trao đổi với bạn.
Nào, còn chần chừ gì nữa, hãy “yêu” và “cháy” cùng lịch sử ngay từ bây giờ!