1. Về vị trí địa lí
Tuần Giáo nằm ở phía đông nam của tỉnh Điện Biên là thung lũng của ba đèo: Đèo Tằng Quái; Đèo Pha Đin; Đèo Hoa. Tuần Giáo là nơi cư trú của nhiều dân tộc anh em: Dân tộc Kinh từ các tỉnh thành miền xuôi lên, dân tộc Thái ở đây chiếm tỉ lệ khá cao ở Tuần Giáo, có phong tục tập quán rất phong phú, dân tộc H'Mông đứng vị trí thứ hai sau dân tộc Thái có bản sắc văn hoá độc đáo, dân tộc Khơ Mú là dân tộc có số dân ít hơn song phong tục tập quán của dân tộc này đã góp phần làm cho nền văn hoá các dân tộc Điện Biên thêm phong phú, ngoài ra còn nhiều dân tộc khác như Phù lá, Kháng, Hoa... Là mái nhà chung của nhiều dân tộc anh em, Tuần Giáo thật sự là mảnh đất mà kho tàng văn hoá bản địa còn nguyên gốc. Đến với Tuần Giáo là đến với cái nôi của nền văn hoá dân tộc Thái với những điệu xoè nổi tiếng. Những cô gái Thái với những dải khăn Piêu và hàng cúc bướm, trang phục bằng chất liệu thổ cẩm làm say lòng nhiều du khách. Đến với dân tộc H'mông lại hết sức độc đáo bởi những điệu khèn “Chỉ một người biết thổi, chỉ một người biết nghe” của chàng trai đang yêu. Người phụ nữ H'Mông ấn tượng nhất là bộ váy áo sặc sỡ, như những bông hoa rừng nhiều màu sắc.
Về vị trí địa lý tự nhiên, do nằm ở vị trí giữa 2 con đường giao thông chiến lược (Quốc lộ 6 và quốc lộ 279) nên Tuần Giáo được coi là cửa ngõ của tỉnh trong quan hệ và chiến lược phát triển giữa Điện Biên với các tỉnh miền xuôi, đặc biệt với thủ đô Hà Nội. Trước hết là dọc tuyến: Điện Biên - Sơn La - Hoà Bình - Hà Nội.
2. Về kinh tế xã hội
Điện Biên nói chung, Tuần Giáo nói riêng đều mang những nét đặc thù của một huyện miền núi xa xôi, đất rộng người thưa, địa hình phức tạp, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Kinh tế địa phương có đặc trưng là sản xuất nhỏ như: dệt thổ cẩm, đan mây, tre ... phân tán, tự cung tự cấp nhưng cung lại không đủ cầu song với cơ chế mở cửa, lưu thông hàng hoá đã góp phần ổn định dần sản xuất và tạo đà phát triển như dệt thổ cẩm và hàng mây tre đã trở thành một mặt hàng đặc trưng hấp dẫn với nhiều du khách ở các tỉnh miền xuôi cũng như nước ngoài. Tuy nhiên tiềm năng còn nhiều song khai thác còn hạn chế.
Giao lưu Văn hoá - Xã hội ở Tuần Giáo chưa mở rộng, trong những năm gần đây Điện Biên Phủ được nâng cấp lên thành phố và trở thành điểm du lịch nên giao lưu Văn hoá - Xã hội ở Tuần Giáo đã được phát triển hơn. Trình độ dân trí còn thấp, dân số gia tăng nhanh, nhận thức về khoa học kỹ thuật giáo dục và đào tạo nhất là ở vùng xa còn hạn chế.
3. Tóm lại
Huyện Tuần Giáo có nhiều nét đặc thù, đặc biệt là những khó khăn đã tác động không nhỏ đến quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội trong đó có sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Trường THPT Tuần Giáo.